Igloo White Chiến_dịch_Igloo_White

Igloo White có nghĩa đen là "mái lều tròn tuyết trắng", một loại lều của thổ dân EskimoBắc Cực. Trung tâm chỉ huy của Igloo White được đặt tại Nakhon Phanom, Thái Lan. Với 2 máy tính khổng lồ IBM 360/65, trung tâm này quán xuyến toàn bộ những thiết bị điện tử được rải xuống khắp 40.000 km² trên Trường Sơn. Chúng kiểm soát từng vùng theo mã số, đánh hơi người, bắt âm thanh theo các tần số, phát hiện những vật di động, xác định thời gian và địa điểm… rồi thông báo tức thì cho loại máy bay Night Hawk đến đánh phá. Chi phí cho toàn bộ hệ thống thám báo tự động này là 1,7 tỷ USD (tương đương khoảng 12.498.660.287 USD theo giá đồng USD năm 2020).[1]

Các thiết bị điện tử

Máy bay QU-22B Pave Eagle sử dụng trong Chiến dịch Igloo White

Những thiết bị điện tử gồm khoảng gần 100 loại khác nhau được rải xuống Trường Sơn, được mệnh danh là những "thám tử giấu mặt", những "kẻ gác đường". Có những máy radar nhỏ rải rác khắp các nẻo đường để phát hiện tiếng động hoặc tía hồng ngoại do các xe cơ giới phát ra, báo về trung tâm chỉ huy. Có những máy đánh hơi được mùi amoniac trong mồ hôi để gọi máy bay oanh tạc tới. Trong số các loại thiết bị này, có thể kể đến một số loại phổ biến:

  • SPIKE BUOY: Cảm ứng âm thanh do máy bay thả xuống đất, lẫn màu cây cỏ, lặng lẽ phát hiện các tiếng động: chân đi, xe chạy, người nói, chó sủa, gà gáy… được truyền tất cả về trung tâm.
  • ACOU BUOY: Loại máy cảm ứng có dù do máy bay thả xuống các khu rừng, treo bám trên cành cây, lẫn vào lá, rất khó phát hiện, làm nhiệm vụ tương tự loại trên.
  • ADSID: Cảm ứng địa chấn có tần số nhỏ nhất ròi báo tín hiệu về cho trung tâm, được thả xuống từ máy bay. Thường được lực lượng bộ đội gọi là "cây nhiệt đới".
  • ACOUSID: Máy cảm ứng địa chấn và âm thanh tương tự ADSID, nhưng có thêm chức năng truyền âm thanh.

Để phòng khi sóng bị nhiễu (do đối phương phá sóng, do ảnh hưởng vật lý…), giới kỹ thuật Mỹ còn chế tạo một số phương tiện hỗ trợ như máy chuyển tiếp, đặt trên phi cơ không người lái QU-22B bay ở độ cao lớn, đi được vào vùng có hoả lực phòng không dày đặc, nhận tín hiệu từ mặt đất rồi chuyển về trung tâm. Sau đó, họ còn chế tạo thêm trạm chuyển tiếp tự động (DART), hay chương trình bảo trợ Commando Bolt, tức hệ thống điều hành toàn bộ hệ thống trinh sát điện tử để có thể chỉ huy tự động, đảm bảo cho không quân Mỹ không kích chính xác trong mọi hoàn cảnh thời tiết.[2]

Giải pháp của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Tuy Hoa Kỳ đã sử dụng trong chiến dịch này những phương tiện kỹ thuật tối tân nhất của họ nhưng họ đã nhanh chóng bị các giáo sư của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sựTrường Đại học Bách khoa Hà Nội bắt bài và gặp phải những giải pháp chống đỡ khôn ngoan của lực lượng bộ đội Trường Sơn. Ở các binh trạm thường thành lập các nhóm chuyên trách săn tìm các thiết bị do thám. Họ thường là những sinh viên trường Bách khoa, họ là những người rất thông thạo trong việc định vị và tháo dỡ chúng. Theo lời kể của Đại tá Hồ Minh Trí, ông nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 473: "Các thiết bị này rất khó phát hiện và chỉ có thể sử dụng mắt thường để tìm. Các máy cảm ứng thường có cấu tạo thêm một bộ phận tự huỷ để chống tháo gỡ. Trước tiên phải làm liệt chi tiết này, và các thao tác đã được nghiên cứu, kiểm định kĩ lưỡng và chắc chắn thì cần phải phổ biến ngay cho các chiến sĩ. Với loại có dù treo cao trên ngọn cây, nếu cao quá thì dùng súng (AK-47 hoặc CKC) bắn huỷ ngay tại chỗ, nếu thấp thì hạ xuống rồi vô hiệu hoá bằng cách buộc 4 cái râu của nó lại với nhau bằng dây thép. Với các loại "cây nhiệt đới" (ADSID, ACOUSID) thì dùng kìm cắt ngay cần ăng ten. Đối với những loại khó tháo gỡ thì đơn giản nhất là áp 200g thuốc nổ vào (gói theo kiểu bộc phá) hoặc dùng lựu đạn cho nổ cắt đôi khí tài ra là xong". Đánh lừa các thiết bị này cũng là một giải pháp được những người lính Quân đội nhân dân Việt NamQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng phổ biến. Những máy phát hiện nhiệt năng của động vật bị đánh lừa, khi thay cho những đoàn quân đi lại là những đoàn vật nuôi như: trâu, bò, chó, lợn, gà, vịt, dê, ngựa...thậm chí có cả ngỗng do người dân địa phương cấp. Những máy phát hiện mùi mồ hôi cũng bị đánh lừa bằng những lọ nước tiểu của người và gia súc (loại nước tiểu gia súc được bộ đội dùng phổ biến nhất là nước tiểu bò vì nước tiểu bò có mùi mạnh hơn các mùi nước tiểu khác) được treo lơ lửng trong các lọ thủy tinh tại những tuyến đường "khỉ ho cò gáy", làm cho phía Mỹ luôn bị báo động rằng đang có hàng sư đoàn địch đi qua, khi máy bay tới dội bom cũng là lúc những đoàn quân của bộ đội ta đã di chuyển qua những con đường khác an toàn hơn rất nhiều.[2][3] Về vấn đề này, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên cho biết:

Tương tự Hàng rào điện tử McNamara, những thiết bị do thám thả xuống trông giống như cây rừng. Chúng được thả trong một khu vực có chiều rộng tới 100 cây số, bao trùm một mạng lưới giao thông của chúng tôi. Phải mất bảy ngày để tìm ra giải pháp. Rồi chúng tôi đưa xe tới gần chỗ có thiết bị đó và cho chạy đi chạy lại (để lừa phía Mỹ). Trong vòng vài tháng sau đó, người Mỹ tiếp tục thả máy do thám xuống trước khi ngưng hẳn. Phương cách này khiến chúng tôi mất một số xe khi máy bay Mỹ tấn công khu vực mà chúng tôi cố ý cho xe tải chạy để đánh lừa. Khi người Mỹ bị dụ tới một địa điểm khác, các đoàn xe của chúng tôi hoạt động an toàn hơn[3]

Không chỉ dừng lại ở đó, những kỹ sư, công binh kỹ thuật giỏi còn có thể tận dụng được các linh kiện của các thiết bị điện tử Mỹ. Có trường hợp họ còn dùng chính phương tiện của Mỹ để lừa máy bay và sở chỉ huy Mỹ, làm chúng lạc đích, thậm chí đánh vào nhau, như trường hợp của binh trạm trưởng Nguyễn Khang của Binh trạm 34 đã dùng các sensor của Mỹ kết hợp với âm thanh giả được ghi lại trong đài cassette cũ mà vị binh trạm trưởng này xin lại của cấp trên để khiến cho các khu vực núi đá hiểm trở, không có người sinh sống, qua lại bị B 52 Mỹ dội bom. Kết quả là sau hàng tấn bom B-52 thì Mỹ mới tiêu diệt được...một chiếc cát-xét cũ của đối phương, ngoài ra còn giúp cho đối phương phá núi, mở thêm đường. Chính biện pháp này đã gây hiểu lầm cho phía Mỹ rằng tình báo Bắc Việt đã thâm nhập các hệ thống thông tin của đối phương, và điều khiển pháo binh và không quân tấn công vào các đơn vị của Hoa Kỳ, như trong một số tài liệu mật của phía Mỹ mới được giải mật hồi tháng 1 năm 2008.[2]